QUAN HỆ BANG GIAO ĐẠI VIỆT – CHAMPA: MỘT CÁCH TIẾP CẬN MỚI – 4

 QUAN HỆ GIỮA NHÀ TRẦN VÀ CHAMPA

1. Chủ trương, chính sách đối ngoại của hai bên.

          Năm 1226 nhà Lý sụp đổ, Trần Thủ Độ ép Lý Chiêu Hoàng là nữ hoàng cuối cùng của triều Lý, nhường ngôi lại cho Trần Cảnh (chồng của Chiêu Hoàng)  tức là Thái Tông nhà Trần ông vua đầu tiên khai sáng ra nhà Trần, sau đó Trần Thủ Độ còn bức tử vua Lý Huệ Tông. Tiếp tục đưa Đại Việt bước lên đỉnh cao thịnh trị như nhà Lý đã làm, nhà Trần ghi tên mình vào lịch sử với ba lần kháng chiến chống Mông Cổ hùng mạnh.

           Nước Chăm Pa về Phía Nam cũng bước vào những năm tháng ổn định, sau một thể kỷ chiến tranh đẫm máu với người láng giềng Chân Lạp và chịu sự đô hộ kéo dài từ năm 1203-1220 của người Khrme. Năm 1220 vì không thể đủ sức áp đặt tiếp nền thống trị Chăm Pa và bận đối phó với nước Xiêm người Chân Lạp buộc phải rút quân khỏi Chăm Pa kết thúc cuộc chiến dài giữa hai nước. Jaya Paramecvaravarman II lên ngôi vua Chăm Pa, khôi phục lại nền độc lập của vương quốc, ông và sau đó người kế ngôi là Jaya IndravarmanVI đã ra sức tái thiết lại quốc gia[1].

          Ngay từ khi Nhà Trần vừa thành lập, vua Chăm Pa đã hai lần cử sứ giả sang đưa lễ vật vào các năm 1028, 1042. Nhưng điều này không thể làm cho Trần Thái Tông vị vua khai sáng nhà Trần bỏ qua việc người Chăm Pa thường sang cướp phá Đại Việt, đã mấy lần Thái Tông yêu cầu Chăm Pa phải ngừng các cuộc đột kích đó[2]. Nhưng thay vào đó, vua Chăm Pa yêu cầu Nhà Trần phải trả lại những vùng bị mất năm 1069. Điều này khiến Trần Thái Tông phải cầm quân chinh phạt Chăm Pa[3].T ừ sau đó Chăm Pa liên tục triều cống Đại Việt từ năm 1265 đến 1282[4].

          Như vậy thì trong thời điểm đầu của Nhà Trần thái độ của Chăm Pa không còn như đầu thời Lý nữa, cho dù vua Chăm Pa đã hai lần cử sứ giả sang nhưng cũng liên tục sang đánh phá Đại Việt. Họ còn chủ trương bỏ qua thái độ của vua Trần và yêu cầu phía Đại Việt phải trả lại đất, đó là một thái độ cứng rắn của vua Chăm Pa, nhầm đòi lại vùng đất đã mất. Về phía Đại Việt họ chủ trương nói chuyện ôn hòa, nhưng khi vua Chăm Pa khiêu khích thì vua Trần liền cho quân đi chinh phạt, đó là lý do để họ khẳng định sức mạnh của mình với các nước lân bang.

          Từ sau năm 1252 vua Chăm Pa Indravarman V (lên ngôi năm 1257) đã cử nhiều đoàn ngoại giao gửi sang Đại Việt vào các năm 1265, 1266, 1267,1269,1270… để nhầm thắt chặt tình đoàn kết với Đại Việt[5]. Kể từ đó hai bên chủ trương giao hảo với nhau.

          Sau đó không lâu cả hai nước Đại Việt và Chăm Pa phải cùng đối phó với một kẻ thù chung đó là đế quốc Nguyên – Mông ở phía bắc. Đế quốc này đã làm mưa làm gió cả lục địa Á-Âu, bành trướng đến tận Đông Âu, Trung Đông, thôn tínhcác nước ở Á Đông như Đại Kim, Đại Lý và Nhà Tống thống trị toàn Trung quốc rộng lớn lập nhà Nguyên mà Hốt Tất Liệt là ông vua đứng đầu. Khu vực Đông Nam Á chính là mục tiêu tiếp theo của quân Mông – Nguyên.

          Năm 1258, 1285 và 1288 nhà Nguyên đã ba lần xâm lược Đại Việt nhưng tính thần kháng chiến bất khuất, đồng lòng của vua, tôi nhà Trần quân Mông Cổ đều thảm bại trở về[6]. Năm 1283 quân nhà Nguyên cũng sang thôn tính Chăm Pa, nhưng dân Chăm Pa dưới sự lãnh đạo của vua Indravarman V và thái tử Harijit đã kháng chiến anh dũng làm thất bại tham vọng của địch, cầm chân quân địch[7].

          Biến cố đặc biệt này buộc hai nước phải liên kết với nhau để cùng chống lại kẻ thù chung, nếu Chăm Pa bị chiếm thì Đại Việt sẽ bị Nhà Nguyên bao ở hai đầu, sau khi thất bại ở Chăm Pa nhà Nguyên liền tạo ra kế sách mượn đường sang Đại Việt mà đánh xuống Chăm Pa, nếu Đại Việt đồng ý thì không những cuộc kháng chiến của nhân dân Chăm Pa sẽ thất bại, mà nước Đại Việt còn có thể bị Nhà Nguyên thừa cơ chiếm lấy, hoặc là khi đi qua lãnh thổ Đại Việt thì quân Nguyên đã thừa cơ chiến Đại Việt trước rồi.

          Chính vì thế, hai nước trong giai đoạn này chủ trương liên kết vào hợp tác với nhau cùng chống lại kẻ thù chung hùng mạnh này, bỏ qua những mâu thuẫn tồn tại trong quá khứ. Đây là giai đoạn mà mối quan hệ hai nước trở nên rất mặn nồng, các ông vua hai bên (IndravarmanV với Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông).

           Vua Chăm Pa Indravarman V mất vì tuổi già vào năm 1285, thái tử Harijit người có công lớn trong cuộc chiến vừa qua, lên ngôi hoàng đế mà vương hiệu Phạn ngữ là Jaya sinhavarman III mà sử Việt gọi là Chế Mân. Cũng như vua cha ông người mà luôn luôn có thái độ giao hảo với các nước láng giềng, nước lớn như nhà Nguyên thì ông tỏ ra thần phục, còn đối với Đại Việt thì họ luôn giữ tình thân hữu[8]. Ông thường sai sứ giả sang sứ Đại Việt vào năm 1293 và 1301[9].

          Về phía Đại Việt thì vào năm 1293 Trần Nhân Tông truyền ngôi lại cho vua Trần Anh Tông về làm thượng hoàng và đi tu ở núi Yên Tử. Trong giai đoạn này Thượng Hoàng Nhân Tông cũng như vua Anh Tông đều chủ trương giao hảo với Chăm Pa, hai bên thường đưa sứ giả qua lại.Thượng Hoàng còn sang thăm Chăm Pa vào năm 1301[10].

          Để cho mối bang giao này càng thêm bền vững cả thượng hoàng Nhân Tông đã gả công chúa Huyền Trân cho vua là Jaya sinhavarman III (Chế Mân),cho dù có bao nhiêu phản đối từ hai phía nhưng xuất phát từ tinh thần coi trọng hòa bình và quyết tâm xây dựng quan hệ thân thiện hơn của Nhân Tông và Jaya sinhavarman III (Chế Mân), cuộc hôn nhân vẫn diển ra vào năm 1306 cho dù lễ vật cưới công chúa này của vua Chăm Pa là hai châu Ô và Lý (Nam Quảng trị và Thừa Thiên huế)[11].

     Nhưng cái chết của vua Jaya sinhavarman III (Chế Mân) vào năm 1307 và sự kiện nhà Trần đưa người sang cướp Huyền Trân công chúa về nước đã làm sụp đổ tất cả mối bang giao thân thiện mà Indravarman V, Jaya sinhavarman III và thượng hoàng Trần Nhân Tông đã dầy công xây dựng bị đổ vở, nó làm cho mối quan hệ thân thiện vốn chỉ được chấp vá này, lại càng rạn nức thêm và khó mà không còn hàn gắn được nữa. Vì sau đó hai bên liên tục chiến tranh cho đến năm 1471.

          Các quốc vương Chăm Pa sau đó liên tục thi hành các chính sách thù địch với Đại Việt và phát động phong trào bài trừ Đại Việt ở hai châu Ô và Lý. Từ vua Chế Chí, Chế Năng, Chế A-Nan và Chế Bồng Nga liên tục phát động các cuộc chiến tranh để Bắc tiến mà mục địch là lấy lại những đất đai mà người Việt đã chiếm đoạt. Nhưng kết quả cuối cùng của các cuộc chiến này thường là chiến thắng giành cho phía Đại Việt[12].

           Đại Việt đã gả công chúa Huyền Trân đổi lấy cả hai châu Ô, Lý nhưng sau đó họ lại cướp công chúa về mà không trả lại hai châu đó. Chúng ta chỉ biết lý do là sợ công chúa bị đưa lên giàn hỏa thiêu. Sau đó Đại Việt đã phải luôn đối phó lại với các cuộc tấn công từ phía Chăm Pa, nhưng chính từ những lần này uy thế của Nhà Trần lại càng mạnh họ, thừa thắng Đại Việt đã hai lần can thiệp vào ngôi vua Chăm Pa và tham vọng đô hộ Chăm Pa[13]. Cho đến khi mà nhân vật Chế Bồng Nga (lên ngôi năm 1360) xuất hiện trong suốt 30 năm sau đó nhân lúc mà Nhà Trần đang suy yếu ông liên tục phát quân đánh phá Đại Việt và bốn lần tấn công vào kinh thành Thăng Long đánh phá, chủ trương của ông là trừng phạt Đại Việt và giành lại được những đất đai đã mất.

          Về phía Đại Việt, họ cũng tiến hành khánh chiến chống quân Chăm Pa từ các đờinhưng nước Đại Việt liên tục thua trận, kinh thành bị tàn phá, dân chúng bị đánh giết, vua Trần Duệ Tông tử Trận. Nhà Trần đang suy yếu: vua, quan lại, tướng sĩ bất tài chỉ biết tháo chạy mỗi khi mà quân Chăm Pa đánh đến.

            Năm 1390 Nhà Trần tưởng như đang đứng trước nguy cơ sụp đổ, thì Chế Bồng Nga bị tử Trận, vương quốc Chăm Pa không có người lãnh đạo, suy yếu nhanh chống, sức mạnh của đất nước do vua Chế Bồng Nga tạo nên tan vở. Nhân thời biến động đó Tể Tướng Nhà Trần Hồ Quý Ly liền cho quân đánh Chăm Pa (vào các năm 1391 và 1396) giành lại thế chủ động trước Chăm Pa[14].

          Như vậy có thể thấy từ khi mới Nhà Trần Thành lập, phía Chăm Pa chủ trương đối đầu với Đại Việt, nhưng sau năm 1252 Chăm Pa lại thực hiện chính sách ngoại giao tốt đẹp với Đại Việt, hai nước cùng kháng chiến chồng Mông-Nguyên, gắn chặt tình cảm bằng cuộc hôn nhân giữa vua Chế Mân và Huyền Trân Công Chúa. nhưng mọi thứ đều thay đổi từ sau năm 1307, các vua Chăm Pa liên tục phát binh đánh Đại Việt cho đến năm 1390 mới thôi.

          Về phía Đại Việt thì lúc đầu vua Trần Thái Tông chủ trương, giao thiệp với người Chăm Pa nhưng những hành động đánh phá của Chăm Pa, buộc ông phải lên tiếng nhắc nhở Chăm Pa, cuối cùng thì phát động chiến tranh trừng trị Chăm Pa. Sau sự kiện đó cũng như phía Chăm Pa hai bên chủ trương thuận hòa, các vua nhà Trần thi hành nhiều chính sách thúc đẩy mối quan hệ hai nước. Nhưng từ sau khi Đại Việt cướp công chúa Huyền Trần về nước thì mọi sự đã thay đội Nhà Trần từ đó luôn đối chọi với các cuộc trả thù của Chăm Pa, nhân đó các vua Trần lại thừa cơ chinh phạt Chăm Pa bắt vua Chế Chí, nhúng tay vào ngôi vua Chăm Pa mà mục tiêu là biến nước này thành nước phụ thuộc vào Đại Việt.

           Cho đến khi mà Chế Bồng Nga xuất hiện thì Đại Việt lại liên tục phải đối phó với các cuộc đánh chiếm của Chăm Pa, cho dù vua tôi nhà Trần đã cố gắn kháng chiến nhưng liên tục thất bại, nhà Trần không có một giải pháp nào để đối phó. Vua, tôi nhà Trần chỉ biết tháo chạy, để dân chúng bị quân Chăm Pa đánh giết.Mãi đến khi Chế Bồng Nga chết, Nhà Trần mới dần dần khôi phục lại thế chủ động của mình trước Chăm Pa.

     2. Các sự kiện bang giao tiêu biểu.

      Hợp tác cùng khánh chiến chống Nguyên-Mông:

            Như có nói ở trên vào thời Indravarman V, năm 1882 quân nhà Nguyên sang xâm lược Chăm Pađể làm chủ khu vực hàng hải trọng yếu ở Đông Nam Á và tạo bàn đạp gọng kiềm, bao vây Đại Việt ở hai hướng Bắc và Nam trả thù cho sự thất bại năm 1258[15].Trước sức mạnh của quân Nguyên, quân và dân Chăm Pa rút vào núi rừng thực hiên cuộc kháng chiến lâu dài chống lại nhà Nguyên dưới sự lãnh đạo của ông vua Indravarman V và thái tử Harijit anh hùng. Quân Nguyên sĩ nhiều năm chiếm đóng ở Chăm Pa không quen thủy thổ, thường xuyên bị quân Chăm Pa dùng chiến thuật du kích mà đánh, nên quân Nguyên cũng bị tổn thất nặng nề[16], buộc phải thu quân về phía Bắc mà đánh Đại Việt.

          Trong lúc này nhầm chi viện cho Toa Đô đang đánh Chăm Pa ở phía Nam thì vua Nguyên quyết định mượn đường sang Đại Việt, rồi đánh xuống Chăm Pa, vua tôi nhà Trần không đồng ý. Điều này khiến cho Nguyên Thế Tổ phải cử Trấn Nam Vương Thoát Hoanmượn cớ đánh Chăm Pa mà sang đánh Đại Việt vào năm 1284. Ở Phía nam đám tàn quân từ Chăm Pa của Toa Đô đánh lên phối hợp với cánh quân ở Phía bắc, tạo gọng kiềm đánh Đại Việt từ hai phía[17]. Nhà Trần trước sức mạnh của kẻ thù đã rút quân bảo toàn lực lượng mà kháng chiến lâu dài nhờ đó mà kháng chiến thắng lợi[18].Cuộc kháng chiến chống đế chế Mông – Nguyên hùng mạnh của nhân dân hai nước thắng lợi.

Cuộc kháng chiến chống Mông – Nguyên của cả hai dân tộc trên là vấn đề có tính tác động qua lại, ràng buộc, phụ thuộc nhau một cách chặt chẽ. Vì rằng mục tiêu lúc đầu của cuộc chiến tranh này chính là Chăm Pa chứ không phải là Đại Việt.Nếu như Chăm Pa một nước ở trung tâm của khu vực Đông Nam Á bị thôn tính thì nhà Nguyên sẽ bắt đầu bành trướng xa hơn trên toàn Đông Nam Á, bắt đầu nắm được khu vực địa chiến lược quan trọng ở giữa Biển Đông, nắm được con đường thương mại quan trọng từ Trung Nguyên, đến khu vực Nam Á và xa hơn là Trung Đông và Bắc Phi.

           Đối với Đại Việt nếu như không có Cuộc kháng chiến của nhân dân Chăm Pa thì khi mà nước này bị thôn tính, thì nhà Nguyên có thể bao vây Đại Việt từ phía nam, lẫn phía bắc.Chính cuộc kháng Chiến của Chăm Pa cũng làm suy yếu đám tàn quân của tướng Toa Đô âm mưu đánh lên Đại Việt từ phía Nam.

           Mặt khác cuộc kháng chiến của Đại Việt thành công tạo điều kiện cho Chăm Pa hoàn toàn giải phóng, và cũng chính nhờ thái độ cương quyết không cho nhà Nguyên mượn đất sang đánh Chiêm Thành mà nhân dân Chăm Pa kháng chiến thành công. Đó đúng là một dấu ấn đáng ghi nhận trong tình thân hữu và bang giao tốt đẹp của hai nước, hai dân tộc.

Hôn nhân giữa vua Chế Mân và Huyền Trân Công Chúa:

           Ngay sau cuộc kháng chiến chống Mông-Nguyên cả hai bên đều quyết tâm xây dựng mối quan hệ giao hảo và thân thiện giữa hai dân tộc,với quyết tâm thắt chặt thêm tình đoàn kết và giao hảo tốt đẹp giữa hai quốc gia.Năm 1301 vua Chế Mân đã cử sứ giả sang tặng lễ vật cho thượng Hoàng Nhân Tông và vua Anh Tông, nhân đó đoàn sứ giả cũng mời thượng hoàng Nhân Tông sang thăm Chăm Pa[19].

          Thượng hoàng sang Chăm Pa thăm thú mọi nơi, tìm hiểu phong tục tập quán của Chăm Pa, được vua Jaya sinhavarman III (Chề Mân) và nhân dân tiếp đãi nồng hậu. Thượng hoàng ở lại đó khoảng 9 tháng rồi về, trước khi về có hứa gả cho vua Chăm Pa một người con gái của mình[20]. Cho dù chịu  phản ứng của các quan  đại thần trong triều và dân chúng Đại Việt, vì thế cuộc hôn nhân này đã phải trải qua một quá trình thương thuyết lâu dài.Cho dù vậy với quyết tâm xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa bang giao hai nước, thượng hoàng Nhân Tông vẫn gả công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân.Nhưng để có cuộc hôn nhân này thì vua Chăm Pa đã phải đánh đổi hai châu Ô và Lý[21][22].

           Huyền Trân Công Chúa khi sang Chăm Pa được Vua Chế Mân phong là Paramecvari, khoảng một năm sau thì vua Jaya sinhavarman III (Chế Mân) qua đời[23]. Năm 1307 vua Anh Tông sai Trần Khắc Chung và sang Chăm Pa cướp Công Chúa Huyền Trân về nước vì sợ công chúa bị đưa lên giàn hỏa thiêu cùng với vua Chăm Pa theo phong tục, Đến một năm sau thì công chúa và thế tử Đa Da mới về đến Đại Việt[24]. Hôm nay sự kiện này vẫn còn nhiều tranh luận[25].

           Điều này chính là lý do khiến cho mối quan hệ hữu nghị mà các vua Chăm Pa Indravarman V, Jaya sinhavarman III và vua Trần Nhân Tông đã dầy công xây dựng bị sụp đổ mà nguyên nhân chính tử Đại Việt. Chính từ đó mà mối quan hệ hai nước lại càng căng thẳng thế thì sao tránh khỏi việc Chăm Pa thường oán hận, nuôi chí báo thù và sang đánh phá Đại Việt. 

 Giao tranh giai đoạn 1307-1360:

          Sau khi mà vua Jaya Simhavarman III (Chế Mân) từ trần thì Chế Chí lên nối ngôi, quyết tâm trả thù Đại Việt.Chế Chí thường xuyên sang đánh phá,kích động dân chúng Chăm Pa ở hai châu Ô, châu Lý nổi lên chống lại Đại Việt. năm 1212 Vua Anh Tông thân chinh đi đánh Chăm Pa, kết quả là vua Chăm Pa bị bắt và đêm về Đại Việt và chết tại Gia Lâm (Hà Nội) năm 1313. Tiếp theo đó một ông vua chưa rỏ tên Phạn ngữ mà sử Việt gọi là Chế Năng lên nối ngôi[26].

           Năm 1313 nhân lúc vua Anh Tông nhường ngôi cho Trần Minh Tông, Chế Năng lại tiếp tục sang đánh Đại Việt, cố gắng chiếm lại các các khu vực ở phía Bắc, nhưng bị đánh bại vào năm 1318. Chế Năng phải sang lánh nạn tại Java (nay là Inđônêxia). Chính lúc này vua Đại Việt lại lập Chế A-nan lên ngôi vua, sự kiện này khẳng định sự can thiệp trực tiếp của nhà Trần vào chính sự của vương quốc Chăm Pa, biến Chăm Pa thành thuộc quốc. Nhưng cũng chính Chế A- nan đã có ý định lợi dụng nhà Nguyên để thoát khỏi sự ảnh hưởng của Đại Việt và vào năm 1326 nhờ đánh bại được quân đội Đại Việt mà Chăm Pa khôi phục được nền độc lập và chấm dứt nghĩa vụ chư hầu với nước Việt[27].

          Năm 1342 vua Chăm Pa là Chế A-nan mất, người con rể và là tể tướng của ông là Trà Hoa Bồ Đề đã cướp quyền của người thừa kế ngôi vua là Chế Mổ ( con của Chế A-nan). Chế Mổ sang quy phụ Đại Việt và nhờ vua Trần giúp giành lại ngôi vương[28].

Thế là năm 1353 vua Trần Dụ Tông (lên ngôi năm 1341) cử đại binh đưa Chế Mổ về nước giành lại quyền lực nhưng không thành công, đua Chế Mổ về lại Đại Việt. Sau đó thì Chế Mổ chết ở nước Việt ít lâu sau đó. Thấy quân Việt bỏ về Trà Hoa Bồ Đề liền vào đánh Hóa Châu giành lại những vùng đất mà Chế Mân đã dâng cho Đại Việt nhưng không được, vua Trần đưa Trương Hán Siêu vào Hóa Châu[29].

Như vậy sau năm 1307 Chăm Pa liên tục tấn công Đại Việt, giành lấy những gì đã mất.Nhưng bấy nhiêu lần đều thất bại trước quân đội Đại Việt, vua Nhà Trần có điều kiên can thiệp vào công việc Chăm Pa cho đến khi Chế A-Nan giành lại tự chủ.

Chế Bồng Nga mấy lần chinh phạt Đại Việt-chiếm cứ Thăng Long:

Trần Dụ Tông (1336 – 1369) được thượng hoàng Minh Tông lập nên, làm vua từ năm 1341 đến 1369.Sau khi ông lên ngôi Thái thượng hoàng Trần Minh Tông nắm mọi quyền bính, do đó đất nước ổn định. Nhưng sau khi Thượng hoàng qua đời, Dụ Tông đích thân chấp chính từ đó Nhà Trần dần suy yếu (vua, quan thì lo hưởng khoái lạc, chính trị sa sút, dân chúng khổ sở)[30].

     Về phía nước Chăm Pa thi năm 1360, vua Trà Hoa Bồ Đề qua đời, Chế Bồng Nga được triều thần tôn lên làm vua.Có người cho rằng Chế Bồng Nga là Po Binswar trong Biên Niên Sử Hoàng Gia Chăm. Chế Bồng Nga là một vị tướng tài, chỉ huy nhiều trận đánh vào lãnh thổ nhà Trần[31]. Vừa lên ngôi, ông liền tổ chức lại quân đội, chuẩn bị chiến tranh với nhà Trần, khi đó đã suy yếu rất nhiều vì những ông vua hôn quân vô đạo như Trần Dụ Tông, nhằm tái chiếm những phần lãnh thổ đã từng nhượng cho nhà Trần (1306).

          Một loạt các biến cố dồn dập đã tạo ra một hố sau càng ngăn cách sự gắn kết của hai dân tộc: Cái chết của vua Chế Mân, người Việt dùng kế cướp Huyền Trân Công Chúa về nước, hai lần can thiệp vào ngôi vua Chăm Pa đầu tiên là đánh đuổi  Chế Năng và lập Chế A- nan, sau đó là đưa quân sang đánh Chăm Pa mưu lập Chế Mổ lên ngôi. Nhưng Nguyên nhân sâu xa hơn của cuộc chiến tranh giữa Đại Việt và Chăm Pa, được các nhà nghiên cứu cho rằng bắt đầu từ cái chết của vua Chăm Pa Chế Mân năm 1307. Họ cũng cho rằng từ việc nhà Trần cướp lại công chúa Huyền Trân và giam Chế Chí tới chết,từ đó Đại Việt và Chăm Pa từ đó kết thù oán mãi[32].

             Năm 1361 Chế Bồng Nga phát động cuộc chiến tranh với Nhà Trần và sau đó trong những năm 1362, 1365,1266 Chăm Pa cũng sang đánh phá Đại Việt[33].Dù Nhà Trần đã đẩy lùi được quân Chăm Pa nhưng chiến sự vẫn tiếp tục:

          Giao tranh 1367-1368: năm 1367, Trần Dụ Tông cử Trần Thế Hưng làm Thống quân hành khiển đồng tri, Đỗ Tử Bình làm phó, mang quân đi đánh trả đũa Chăm Pa. Năm 1368, khi quân Trần tiến vào Chiêm Động (Quảng Nam), quân Trần bị phục kích, thua trận. Trần Thế Hưng bị bắt, Đỗ Tử Bình chạy thoát, mang tàn quân chạy về nước.trước vua Chế Bồng Nga bèn sai Mục Bà Ma đi sứ sang đòi đất Hóa châu nhưng không thành[34].

          Chiến sự năm 1371: Thất bại của quân đội Đại Việt năm 1367 làm cho Chế Bồng Nga đưa mức độ chiến tranh lên cao hơn vào năm 1371, khi lần đầu tiên ông chính thức đưa quân vào đánh nhà Trần đến tận kinh thành Thăng Long. Quân Trần chống cự không nổi.Trần Nghệ Tông phải đi thuyền lánh nạn.Quân Chăm Pa tiến vào Thăng Long, cướp phá cung diện, bắt phụ nữ, lấy của cải ngọc lụa mang về. Kinh thành bị cướp sạch trơn, sau đó cướp về[35].

Giao tranh 1376-1377: Nghệ Tông nhà Trần lên ngôi được hai năm thì thấy mình tự thấy không có bản lĩnh, không thể chống nổi sự xâm phạm của quân Chăm Pa, nên năm 1372, nhường ngôi cho em là Trần Kính – tức vua Trần Duệ Tông. Nhân vật này được cho là cứng rắn hơn người anh trai của mình và có tham vọng trả thù hành động đánh phá của Chăm Pa,Trần Duệ Tông ra sức xây dựng, chấn chỉnh quân đội[36].

           Năm 1376, vua Chăm là Chế Bồng Nga lại mang quân xâm lấn.Duệ Tông sai Đỗ Tử Bình đi đánh.Chế Bồng Nga sợ hãi, xin dâng 10 mâm vàng tạ tội. Nhưng Tử Bình giấu vàng đi, lại tâu về triều rằng vua Chăm Pa kiêu ngạo không thần phục.Duệ Tông nổi giận, quyết định thân chinh đi đánh[37].

          Năm 1377 (Tháng 12 âm lịch ),Trần Duệ Tông cầm 12 vạn quân tiến vào đất Chăm Pa.Vua Trần sai Lê Quý Ly (tức Hồ Quý Ly) đốc vận lương thảo đến cửa biển Di Luân (Quảng Bình) rồi dừng quân 1 tháng để luyện sĩ tốt. Quân Trần tiến đến Cầu Đá ở cửa Thi Nại (Quy Nhơn), đánh lấy đồn Thạch Kiều rồi tiến tới kinh thành Đồ Bàn nước Chiêm. Chế Bồng Nga lập đồn giữ ngoài thành, rồi cho viên quan nhỏ là Mục Bà Ma đến trá hàng, nói với Trần Duệ Tông rằng Chế Bồng Nga đã bỏ thành trốn[38], Duệ Tông thấy thế là thời cơ muốn tiến quân vào thành ngay không nghe lời khuyên can của tướng Đổ Lễ, còn sỉ nhục Đổ Lễ[39].

          Duệ Tông thúc quân tiến vào thành Đồ Bàn.gập phục binh Chăm Pa. Quân Đại Việt thua to, mười phần chết đến 7, 8 phần.Duệ Tông bị hãm trong vòng vây, tử trận. Các tướng Đỗ Lễ, Nguyễn Lạp Hòa, Hành khiển Phạm Huyền Linh cũng tử trận, Ngự Câu vương Trần Húc bị bắt đã đầu hàng.Đỗ Tử Bình trước đã vu cáo vua Chăm Pa, lúc đó lĩnh hậu quân không tới cứu ứng cho Duệ Tông.Lê Quý Ly đang đốc quân lương nghe vua băng cũng sợ hãi bỏ chạy. Tuy nhiên khi về kinh, Quý Ly không hề bị thượng hoàng Nghệ Tông trách cứ, còn Tử Bình chỉ bị đồ làm lính 1 năm, sau đó lại được cất nhắc lên chức vụ cao hơn trước[40].

Trận Đồ Bàn 1377 là thất bại lớn nhất của quân Trần. Lúc này chính  là thời điểm quân nhà Trần suy nhược nhất.Vua Duệ Tông chết, con vua lên ngôi tức là Trần Phế Đế, Nhà Trần đến đây lại càng suy yếu.

Chế Bồng Nga bắc tiến: tháng 6 năm 1377, vua Chăm Pa lại theo đường biển tiến đánh Đại Việt. Thượng hoàng Nghệ Tông sai Trấn quốc tướng quân Sư Hiền ra giữ biển Đại An. Chế Bồng Nga liền thay đổi đường hành quân mà tiến vào cửa Thần Phù (cửa sông Chính Đại, Ninh Bình), tiến vào Thăng Long lần thứ 2. Quân Chăm Pa cướp phá kinh thành, đến ngày 12 tháng 11 thì rút lui qua cửa Đại An, bị gió bão chết đuối rất nhiều[41].

          Tháng 5 năm 1378, Chế Bồng Nga đưa hàng Ngự Câu Vương Trần Húc về nước, đánh cướp Nghệ An. Tháng 6, quân Chăm Pa tiến vào cửa Đại Hoàng. Thượng hoàng Nghệ Tông và vua Phế Đế sai Đỗ Tử Bình ra chống giữ. Tử Bình đánh không lại, quân bị tan vỡ.Chế Bồng Nga tiến vào Thăng Long lần thứ 3[42].

           Năm 1380, vua Chăm Pa lại dụ dân Tân Bình và Thuận Hóa đi cướp phá Nghệ An và tiến lên Thanh Hóa.Thượng hoàng Nghệ Tông lại sai Lê Quý Ly lĩnh quân thủy và Đỗ Tử Bình dẫn quân bộ ra chống.Tới tháng 5, quân Chăm Pa không đánh được, thua cuộc phải rút lui[43].

           Tháng 2 năm 1382, quân Chăm Pa lại tiến đánh Thanh Hóa.Nguyễn Đa Phương đóng cọc giữ cửa biển Thần Đầu.Khi thủy quân Chăm lại gần, Đa Phương cho mở cọc cắm cừ, tiến ra giao chiến.Quân Trần dùng hỏa khí ném vào làm thuyền giặc. Quân Chăm Pa thua to, chay vào rừng, bị quân Trần bao vây 3 ngày, quân Chăm Pa nhiều người bị chết đói.Thủy quân Chăm Pa còn lại bỏ chạy về nước. Quân nhà Trần đuổi theo đánh đến Nghệ An[44].

          Sau hai lần đẩy lui được quân Chăm Pa, tháng 1 năm 1383, nhà Trần quyết định đi đánh Chăm Pa. Lê Quý Ly được giao lĩnh quân thủy Nam tiến, nhưng đến huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) gặp gió bão, thuyền bị vỡ, toàn quân phải rút về[45].

          Tháng 6 năm 1383,Chế Bồng Nga lại dẫn quân đánh Đại Việt.Thăng Long kinh động.Thượng hoàng Nghệ Tông sai Lê Mật Ôn đem quân đi chống giữ.Mật Ôn bị quân Chăm Pa bắt sống.Vua, tôi Nhà Trần lại chạy lánh giặc. Có người học trò là Nguyễn Mộng Hoa để cả áo mũ lội xuống nước kéo thuyền ngự lại, xin Nghệ Tông ở lại đánh giặc, nhưng thượng hoàng không nghe.Lòng quân nản, không chống được địch.Chế Bồng Nga tiến vào cướp phá Thăng Long lần thứ 4[46].

Tháng 10 năm 1389, Chế Bồng Nga lại đánh lên Thanh Hóa, Nghệ Tông lại sai Quý Ly đi chống cự, nhưng kết quả quân Trần bị thua to, hàng trăm tướng tử trận. Quý Ly sai tỳ tướng Phạm Khả Vĩnh và Nguyễn Đa Phương ở lại cầm cự với giặc, còn mình thì trốn về Thăng Long.Phạm Khả Vĩnh và Nguyễn Đa Phương chống giữ ở Ngu Giang, biết mình thế yếu, bèn cho quân rút lui. Thừa thế thắng tháng 11 năm 1389, Chế Bồng Nga tiến theo cửa Hoàng Giang thuộc Nam Xang (Hà Nam). Trần Nghệ Tông sai đô tướng Trần Khát Chân ra chống giữ,Khát Chân đến Hoàng Giang xem xét địa thế, thấy không có chỗ nào đóng quân thuận lợi, bèn rút về đóng ở Hải Triều[47].

          Đầu năm 1390, Chế Bồng Nga và Trần Nguyên Diệu mang hơn 100 chiến thuyền đến Hải Triều đối đầu với Trần Khát Chân. Ba Lậu Kê là tướng Chăm Pa có tội, sợ bị trừng phạt đã ra đầu hàng quân Trần và chỉ cho Trần Khát Chân biết chiếc thuyền nào là chiến thuyền của Chế Bồng Nga.Trần Khát Chân sai các hỏa pháo tập trung chĩa vào chiến thuyền vua Chăm mà bắn. Chế Bồng Nga bị trúng đạn tử trận, quân Chăm phải rút lui. Trần Nguyên Diệu thấy vua Chăm Pa chết, bèn cắt lấy đầu Chế Bồng Nga dâng Đại Việt; hai tướng Đại Việt là Phạm Nhữ Lặc và Dương Ngang giết chết Nguyên Diệu, cướp lấy thủ cấp của Chế Bồng Nga nộp cho Trần Khát Chân, Khát Chân sai người mang về dâng Trần Nghệ Tông ở Bình Than, thượng hoàng khi nhìn thấy mới tự ví minh là vua Hán Cao Tổ Nhà Hán, vua Chăm Pa là Hạng Vũ[48].

Thế là sau 30 năm dài chiến sự Chế Bồng Nga tử trận, Đại Việt thoát khỏi cái thời kì mà liên tục bị đánh phá và thậm chí còn đứng trước nguy cơ mất nước.Điều này càng cho thấy rỏ sự yếu hèn, nhu nhược của vua, tôi nhà Trần thời này khi gặp quân địch chỉ co ro mà chạy, sợ hãi trước quân địch.Nhưng vẩn còn đó những tấm gương anh dũng thà chết cho nước như an phủ sứ Lê Giốc[49]… nhưng trong lúc thế nước đã kiệt thì những tấm gương đó chỉ là “lá mua thu-sao buổi sớm”. Điều này càng thể hiện nhà Trần đã đến ngày suy kiệt: chính sự thối nát, dân chúng khổ sở, chính là cơ hội để Hồ Qúy Ly mưu sự thoán đoạt sau này.

          Trong khi đó đây chính là thời kì mà người dân Chăm Pa tự hào nhất, khi ông vua của họ đã mấy lần phát binh chinh phạt Đại Việt, đó là thời kì vàng son nhất trong lịch sử của họ một thời kì cực thịnh. Chế Bồng Nga được các sử liệu đánh giá là một ông vua anh hùng và mưu lược[50].

           Thế là cuộc chiến giữa hai dân tộc Chăm Pa – Đại Việt sau 30 năm liên tục, kinh thành nước Việt bốn lần bị quân Chăm Pa tàn phá đã kết thúc. Kể từ đó lịch sử bang giao hai nước cho đến khi Chăm Pa sụp đổ, thì vấn đề chính chỉ là chiến tranh, cho dù quan hệ giữa hai nước còn có cả sự giao lưu, hội nhập và tiếp xúc về văn hóa, sinh hoạt đời sống…nhưng màu sắc chính của mối bang giao này (đến trước khi Chăm Pa sáp nhập vào Đại Việt) chắc chắn chỉ là chiến tranh[51].

  3.Quan hệ: kinh tế, văn hóa-xã hội.

  Thương mại và buôn bán hai bên:

          Vào thời kỳ này quan hệ giao lưu và buôn bán hai nước ít được nói đến trong chính sử, thương mại giữa hai nước tương đối giống như thời Lý. Nhưng giai đoạn này có thể là thương mại hai nước rất là phức tạp có lúc rất phát triển, có lúc còn bị gián đoạn do những cuộc chiến tranh liên tục giữa hai nước trong suốt thế kỷ XIV.

  Giao lưu văn hóa – xã hội:

           Giai đoạn này ghi nhận những dấu hiệu giao hợp và hội nhập văn hóa, văn minh giữa hai nước một cách sâu rộng nhất, khi mà ở phía Đại Việt (Thăng Long) ngày càng xuất hiện nhiều hơn nữa những ảnh hưởng trong thấy của văn hóa Chăm Pa và về phía nam ở khu vực mà người Chăm gọi là Châu Ô, Châu Rí (hay là Thuận Châu và Hóa Châu), quá trình tiếp hợp giữa văn hóa Việt với văn hóa Chăm.

          Ở Thăng Long kinh đô của nhà nước Đại Việt vào thời Trần, chúng ta còn có thể thấy được những dấu ấn Chăm Pa ở đó, trong giai đoạn này dấu ấn Chăm Pa không chỉ ảnh hưởng ở cung đình và các công trình của nhà nước như thời trước nữa, mà đi sâu vào dân gian và ảnh hưởng đến tầng lớp nhân dân Đại Việt. Những sự hiện diện của văn hóa Chăm Pa (dù nó hiện diện không rõ nét, nổi trội) đã được giới nghiên cứu xác nhận và đang nghiên cứu khi mà họ nghiên cứu về Hoàng Thành Thăng Long:

       + Thời này ghi nhận những ngôi chùa, đền được xây dựng ở Đại Việt ban đầu phục vụ cho các hoạt động tâm linh của người Chăm ở đây, sau đó cũng trở thành nơi cầu cúng của người Việt, trong các ngôi chùa đó những chi tiết, cách thờ cúng, đối tượng được thờ cúng máng rất nhiều màu sắc Chăm Pa: Chùa Chài ( Đông Anh, Hà Nội),có hai pho tượng Chăm, mang phong cách Chăm (tượng Siva, tượng Thiên Ya Na) đang đặt trên tam bảo ngoài ra còn nhiều ngôi chùa khác nữa[52].

          + Văn hóa tâm linh Chăm Pa còn có tác động khá sâu sắc vào văn hóa tâm linh Đại Việt ở Thăng Long:vào năm 982, sau cuộc tiến công của Lê Hoàn, ông bắt được một người thầy tăng người Thiên Trúc (Ấn Độ) đang truyền giáo của tại xứ Chăm. Và sau này, có thể ông vẫn tiếp tục thực hiện công việc của mình khôngchỉ với đám “tù binh” bị bắt, mà còn truyền giáo cho cả người Việt nữa; Năm 1304 một nhà sư Chăm Pa là Du Già sang nướcTa.Sau này chính nhà sư của phái Du Già đã có nhiều đóng góp vào phát triển Phật giáo Mật Tông ở Đại Việt nói chung và Thăng Long nói riêng; Sự kiện này chỉ ra cho chúng ta thấy những yếu tố tâm linh và quan điểm về tôn giáo, tín ngưỡng của người Chăm đã ảnh hưởng mạnh tới người Việt[53].

          Năm 1307 sau cuộc hôn nhân giữa vua Chế Mân và công chúa Huyền Trân, khu vực Châu Ô, Châu Lý (hay Châu Rí) mà sau này người Việt đổi thành Thuận châu, Hóa châu (Thừa Thiên Huế ngày nay) chính thức trở thành một bộ phận của cương thổ Đại Việt ngay từ lúc đó.

            Ngay khi vừa tiếp quản vùng đất mới ở phía Nam này, nhà Trần đã thi hành những chính sách vô cùng khôn khéo để cho những cư dân bản địa thuận theo triều đình, vua Trần sai “Đoàn Nhữ Hài đến vỗ yên dân chúng chọn người trong bọn họ trao cho quan tước, lại cấp ruộng đất, miễn tô thuế 3 năm để vỗ về“[54].

           Khu vực Thuận Hóa này thật ra trước kia đã có rất nhiều cư dân Việt đến định cư, họ sống chung với cư dân Chăm Pa bản địa và rất hòa đồng[55]. Khi mà người Việt vào định cư ở đây đã mang theo nhiều kinh nghiệm, hoạt động kinh tế, văn hóa, tôn giáo của dân tộc mình và bắt đầu tiếp thu các yếu tố về kinh tế, văn hóa, của người Chăm Pa, tạo nên bản sắc văn hóa riêng của mình tại khu vực này. Bên cạnh đó sau khi mà nhà Trần tiếp quản vùng đất này, với việc thi hành những chính sách phù hợp càng tạo điều kiện cho hai tộc người chung sống hòa hợp[56].

          Kể từ đó văn hóa Chăm Pa có một tác động sâu rộng vào lối sống, sinh hoạt của những cư dân người Việt định cư tại đây. Ngay từ đầu khi mới vào định cư tại đây để có thể tồn tại, lao động, sinh sống và phát triển ở đây người Việt phải học hỏi, tiếp thu rất nhiều kinh nghiệm lao động và sinh hoạt của người Chăm Pa bản địa ở một vùng đất mới hoàn toàn khác biệt về khí hậu, địa hình và thổ nhưỡng. Nhiều nhà nghiên cứu đã tìm thấy những dấu vết về sự hòa quyện của hai nền văn hóa ở khu vực này, những biểu hiện cụ thể của nó là:

       + Người Chăm Pa có truyền thống làm vườn, trồng cây quanh nhà do đó mà khu vực Huế ngày nay rất nổi tiếng với kiến trúc nhà vườn mà ít thấy hiện diện ở Bắc Bộ[57]; khi vào vùng đất mới người Việt theo truyền thống sản xuất lúa nước, để phù hợp với vùng đất này họ phải tiếp thu các kỹ thuật canh tác của người Chăm (cải tiến công cụ canh tác, đổi cách làm ruộng theo mùa của người Chăm, cày cấy tháng mười, gặt vào tháng tư, sử dụng giống lúa Chiêm chịu hạn cao…)[58].

        + Về Truyền thống văn hóa và phong tục: tiếng nói, cũng như trang phục người Việt ở đây ít nhiều đều ảnh hường Chăm, người ta còn có câu nói nổi tiếng “Nói tiếng Chiêm thì có dân làng La Giang, mặc áo Chiêm thì có con gái làng Thuỷ Bạn”[59]; trong các câu hò Huế nổi tiếng (Nam Ai, Nam Bình…) cũng có ảnh ảnh hưởng của âm nhạc và nghệ thuật Chăm Pa[60]

       + Những dấu hiệu về sự ảnh hưởng ngược lại giữa người Việt với người Chăm khó mà có thể nhận thấy được (có thể là vì sự hiện diện của người Chăm bây giờ rất ít ở Thừa Thiên – Huế). Nhưng chắc rằng khi mà người Chăm Pa di cư, tháo chạy vào nam trong bước đường Nam Tiến của Đại Việt, thì vẫn còn một bộ phận người Chăm ở lại và rất có thể là họ đã bị đồng hóa hoàn toàn và trở thành người Việt, bằng chứng là vẫn còn những người họ Chế ở Huế, mà có thể là con cháu của những người Chăm pa (lai Chăm Pa).

      + Bên cạnh đó vào lúc đó (thời Nhà Trần), tại vùng đất Thuận Hóa người ta còn nhận thấy được sự thay đổi về cách sống và lối sinh hoạt như người Việt. Các tên núi sông, hang động, làng xóm của Người Chăm Pa đều bị đặt thành tên Hán Việt. Ngay cả tên gọi các đền tháp của người Chăm Pa cũng được đổi theo tên Việt và những câu truyện cổ tích về những vị thần Chăm Pa ở đây cũng bị Việt hóa[61].

_______________________________________

[1]G.Maspero, Le Royaume de champa, tr171-174.

[2]P. Lafont,Vương quốc Chăm Pa: địa dư, dân cư, lịch sử (2007),tr 169.

[3]Sách Toàn Thư chép về sự kiện này như sau:” tháng giêng vua Trần Thái Tông thân đi đánh Chiêm Thành sai Khâm Thiên Đại Vương Nhật Hiệu làm lưu thủ… đến tháng 12 bắt được vợ chúa Chiêm là Bố Da La và nhiều thần thiếp và nhân dân của vua Chiêm rồi về”.

[4]Nguyễn Duy Hinh, Người Chăm Xưa và Nay, tr122.

[5]Dorohiem và Dohamide, Dân Tộc Chàm Lược Sử, tr 70.

[6]Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, chương VII (phần chống giặc Nguyên) tr139-tr156.

[7]Dorohiem và Dohamide, Dân Tộc Chàm Lược Sử, tr 70.

[8]G.Maspero, Le Royaume de champa, tr188-tr188.

[9]Dorohiem và Dohamide, Dân Tộc Chàm Lược Sử, tr 74.

Cũng theo sách Toàn Thư (QVI, tr17b-18a).  Năm 1303 ở Đại Việt Đoàn Nhữ Hài được phong làm tham tri chính sự,  trước đây vua Trần có cử Đoàn Nhữ Hài đi sứ Chăm Pa… từ trước đến nay các sứ giả sang Chăm Pa đều phải lạy vua Chăm Pa trước, rồi mới mở chiếu thư. Thế mà khi đoàn nhữ hài sang sứ Chăm Pa, liền bưng ngay chiếu thư để lên án,rồi lậy tờ chiếu thư trước, kể từ đó sứ giả Đại Việt sang sứ Chăm Pa không lậy vua họ nữa. Theo thiển ý của tôi đây là một hành động vô lễ, lại được vua Trần khen ngợi, thể hiện sự tư thế thượng quốc với chư hầu, coi thường nước Chăm Pa của Đại Việt, làm tổn hại quan hệ than thiện của hai nước lúc bấy giờ.

[10]G.Maspero, Le Royaume de champa, tr188-tr188.

[11]Dorohiem và Dohamide, Dân Tộc Chàm Lược Sử, tr 74.

[12]P. Lafont,Vương quốc Chăm Pa: địa dư, dân cư, lịch sử (2007),tr 174.

[13]  Như trên,

Năm 1312 Chế Chí phát quân đánh Đại Việt, thất bại và bị bắt. Trần Nhân Tông lập Chế Năng, nhưng Chế Năng lại phản, đánh lại Đại Việt lại thất bại và tháo chạy ra nước ngoài.Vua Trần lại đưa Chế A-nan lên ngôi.

[14]Về cơ bản, sau cái chết của Chế Bồng Nga, giữa Đại Việt và Chiêm Thành không còn những cuộc chiến quy mô.Sang năm 1391, Lê Quý Ly và Hoàng Phụng Thế lại mang quân đến Hóa châu, tuần tiễu biên giới Chiêm Thành. Quân Chiêm đặt phục binh đánh tan quân Trần. Phụng Thế bị bắt, sau trốn được về. Lê Quý Ly sai chém 30 viên đại đội phó dưới quyền của Phụng Thế.Năm 1396, Quý Ly đã hoàn toàn khống chế triều Trần, sai Trần Tùng đi đánh Chiêm Thành, , bắt được tướng Chiêm là Bố Đông và lui binh.Đây là cuộc giao tranh cuối cùng giữa quân Trần và quân Chăm Pa.

[15]Dorohiem và Dohamide, Dân Tộc Chàm Lược Sử, tr 70.

Trước đó Nguyên Thế Tổ (Hốt Tất Liệt) đã gửi hai tướng là Toa Đô và Lưu Thâm sang Chăm Pa âm mưu đặt nền cai trị lên nước này, nhưng dưới sự chỉ đạo của Thái tử Harijit, dân chúng đã phản ứng chống lại đoàn người Nhà Nguyên, buộc họ phải rút về nước.Đối với vua Nguyên đó là một thái đô bất tuân, điều này thôi thúc ông đưa quân sang xâm lược Chăm Pa.

[16]G.Maspero, Le Royaume de champa, tr180-tr185.

[17]Đào Duy Anh, lịch sử việt nam: từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX, Nxb Khoa hoc Xã hôi, tr242-244.

[18]Quân của Toa Đô từ Chăm Pa lên đánh Đại Việt. Tại đây đám tàm quân của Toa Đô bị quân Trần chặn lại tại trận Hàm Tử và sau đó khi mà Quân Trần đánh đuổi quân Nguyên của Thoát Hoan ra khỏi Thăng Long (tháng 6/1285) thì Toa Đô và đám tàn quân trên cũng bị tiêu diệt hoàn toàn ở trận Tây Kết. Ítlâu sau đó thì nhà Trần cũng đại phá quân Nguyên tạiVạn Kiếp (tháng 7/1285).

[19]Dorohiem và Dohamide, Dân Tộc Chàm Lược Sử, tr 74.

[20] Như trên.

[21]P. Lafont,Vương quốc Chăm Pa: địa dư, dân cư, lịch sử (2007),tr 172.

[22]Sách Toàn Thư (QVI, tr21b) chép về sự kiện này như sau:” Nhân Tông đem con gái gả cho chúa Chiêm Thành là nghĩa làm sao?Nói rằng nhân khi đi chơi đã trót hứa gả, sợ thất tín thì sao không đổi lại lệnh đó có được không? Vua giữ ngôi trời mà Thượng hoàng đã xuất gia rồi, vua đổi lại lệnh đó thì có khó gì, mà lại đem gả cho người xa không phải giống nòi để thực hiện lời hứa trước, rồi sau lại dùng mưu gian trá cướp về, thế thì tín ở đâu?”.

[23]Dorohiem và Dohamide, Dân Tộc Chàm Lược Sử, tr 75.

[24]ĐVSKTT, QVI, tr22a-22b.

[25]Các ý kiến trái chiều của PGS. Ts Po Dharma trong bài “ Góp Phần Tìm Hiểu Lịch Sử Vương Quốc Chăm Pa”; Dominique nguyen, trong bài “ 700 cuộc tình Chế Mân và HuyểnTrân Công Chúa…trong các bài viết này có đề cập các diển giải trái chiều về sự kiện Huyền Trân lên giàn hỏa thiêu và việc trốn về nước, chủ yếu gồm 4 điểm chính:

             + Chỉ có hoàng hậu chính thức mới được lên giàn hỏa thiêu.Huyền Trân là hoàng hậu thứ không thể đủ điều kiện lên giàn hỏa.

            + Trong kinh điển phong tục cua bà la môn đều không nhắc tới tục lệ vợ phải hỏa tán theo vợ.

            + Việc hỏa tán vua phải tổ chức trong vòng 7 ngày, vậy thì Huyền Trân phải bị hõa thiêu trong khoảng thời gian đó.Lúc này sứ đoàn Đại Việt không thể đến kịp để cứu Huyền Trân trừ khi đó chỉ là sự ngụy biện của Nhà Trần để đổ lỗi cho Chăm Pa.

+ Vua Nhân Tông Có Sang Chăm Pa Thăm nữa năm thì vua phải biết được những phong tục, tập quán của Chăm Pa. như vậy biết con mình còn trẻ, Vua Chiêm Thì sắp 50 tuổi thì có người cha nào lại gả con mình khi biết vua Cham đã già và biêt phong tục là khi vua Chế Mân chết thì Huyển Trân cũng bị chết chăng lẽ Nhân Tông không biết.

[26]P. Lafont,Vương quốc Chăm Pa: địa dư, dân cư, lịch sử (2007),tr 172.

[27] P. Lafont,Vương quốc Chăm Pa: địa dư, dân cư, lịch sử (2007),tr 174-175

[28]ĐVSKTT, QVI, tr16a

[29]ĐVSKTT, QVII, tr17a.

[30]ĐVSKTT, QVII, tr17a.

[31]G.Maspero, Le Royaume de champa, tr203.

[32]Quan diểm đó được dẫn từ : Trần Xuân Sinh trong  Thuyết Trần (2006), NXB Hải Phòng;Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược.

[33]Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có ghi chép các sự kiện nhưn sau: năm1361 giăc cỏ Chiêm Thành vượt biển đến cướp ở cửa Dĩ Lý (q VII, tr24a); năm 1362 Chiêm Thành cướp Hóa Châu (q VII,tr 25a); năm 1365 người Chiêm bắt dân đi chơi xuân ở Hóa Châu…bắt người đem về nước ( q VII, tr 26b); năm người Chiêm vào cướp phủ Lâm Bình. Quan phủ Phạm A Song đánh bại chúng (q VII, tr 27b).

[34]ĐVSKTT, Q VII, tr 27a-27b.

[35]ĐVSKTT, Q VII, tr 37a-37b.  Cuộc chiến này bắt nguồn từ sự kiện Trần Dụ Tông mất (1369), con nuôi  là Nhật Lễ lên ngôi, Nhật Lễ giết mẹ Dụ Tông và muốn đổi sang họ Dương. Được hơn 1 năm (1370), Nhật Lễ bị hoàng tử Trần Phủ lật đổ giành ngôi, tức là vua Trần Nghệ Tông. Mẹ Nhật Lễ chạy sang Chăm Pa xin Chế Bồng Nga đánh Đại Việt trả thù.Nhân tình thế đố vua Chăm Pa phát quân đánh Đại Việt.

[36]Theo sách Toàn Thư (Q VII, tr41b-42a) Tháng tám năm 1374, ông cho dân đinh xung vào quân ngũ: hạng nhất xung vào Lan Đô, rồi đến hạng nhì, hạng ba. Năm 1375, Duệ Tông xuống chiếu chọn các quan viên, người nào có tài năng, luyện tập nghề võ, thông hiểu thao lược, thì không cứ là tông thất đều làm tướng coi quân, đồng thời cho ra khỏi quân ngũ những người lính già cả, ốm yếu, bệnh tật

[37] ĐVSKTT, Q VII, tr 43a-43b.

[38]ĐVSKTT, Q VII, tr 43b-44b.

[39]Sách Toàn thư (Q VII, tr 44a-44b) chép lời vua Duệ Tông nói với Đỗ Lễ như sau: “Ta mình mặc giáp, tay cầm gươm, dãi gió dầm mưa, lội sông, trèo núi, vào sâu trong đất giặc, không một người nào dám chống lại đó là trời giúp.Huống chi nay vua giặc nghe tiếng bỏ trốn, không có lòng đánh lại.Cổ nhân nói “Dụng binh quý ở nhanh chóng”.Nay lại dùng dằng không tiến nhanh, thế là trời cho mà không lấy, để nó lại có mưu khác, thì hối không kịp.Ngươi chính là hạng đàn bà”.

[40]ĐVSKTT, Q VII, tr 44a-44b.

[41]ĐVSKTT, Q VII, tr 45b-46a.

[42]ĐVSKTT, Q VIII, tr1b.

[43]ĐVSKTT, Q VIII, tr3b-4a.

[44]ĐVSKTT, Q VIII, tr5b.

[45]ĐVSKTT, Q VIII, tr6a.

[46]ĐVSKTT, Q VIII, tr6a-tr7a.

[47]ĐVSKTT, Q VIII, tr14b-16a.

[48]ĐVSKTT, Q VIII, tr17a-tr17b.

[49]ĐVSKTT, Q VIII, tr2a-tr2b. Chuyện kể về Lê giốc như sau: khi quân Chiêm tiên vào kinh đô bắt dược ông, quân Chiêm kêu ông quỳ thì sẽ tha chết, nhưng ông không chịu quỳ thà chịu chết, quân Chiêm tức mới chém ông. Sử thần Ngô Sỉ Liên còn có lời khen ông: Bỏ sống đễ giữ nghĩa còn hơn là sống; cầu sống mà nhục, người quân tử không làm. Kinh dịch nói: Người quân tử thà hy sinh tính mạng để thực hiện chí hướng của mình .Giốc là người như vậy. ông được truy phong Mạ Tặc Trung Vũ hầư

[50]Trong Thuyết Trần NXB Hải Phòng(2006), Trần Xuân Sinh cho rằng về Chế Bồng Nga, nhiều ý kiến thừa nhận là một ông vua anh hùng ít có của Chăm Pa. Nhưng theo ông, vua Chiêm cũng chỉ có tài của tướng cướp dữ tợn.Chế Bồng Nga dùng binh đi chinh chiến liên miên nhiều năm khiến nhân lực Chiêm Thành bị tổn thất nặng. Không đòi lại đất đai bị mất để kiến thiết lại, bốn lần tiến vào Thăng Long, vua Chiêm chỉ cướp phá, vơ vét và vội vã rút về, không lần nào ở lâu. Chế Bồng Nga không phải ông vua anh hùng chấn hưng, mở mang đất nước.

[51]Về cơ bản, sau cái chết của Chế Bồng Nga, giữa Đại Việt và Chăm Pa không còn những cuộc chiến quy mô.Sang năm 1391, Lê Quý Ly và Hoàng Phụng Thế lại mang quân đến Hóa châu, tuần tiễu biên giới Chăm Pa. Quân Chăm đặt phục binh đánh tan quân Trần. Phụng Thế bị bắt, sau trốn được về. Lê Quý Ly sai chém 30 viên đại đội phó dưới quyền của Phụng Thế.Năm 1396, Quý Ly đã hoàn toàn khống chế triều Trần, sai Trần Tùng đi đánh Chăm Pa, bắt được tướng Chăm là Bố Đông và lui binh.Đây là cuộc giao tranh cuối cùng giữa quân Trần và quân Chăm Pa.

[52]Đinh Đức Tiến, Những Dấu Ấn Tâm Linh Chăm Pa Ở Thăng Long,tạp chí VH-NT, số 305,tr13-18.

[53] Như trên.

[54]ĐVSKTT, Q VI, tr22b.

[55]Lê Văn Siêu, Việt Nam Văn Minh Sử,tr705-707.

[56]Lê Đình Phụng, Văn Hóa Chăm Pa Ở Thừa Thiên –Huế,tr 245.

[57]Lê Đình Phụng, Văn Hóa Chăm Pa Ở Thừa Thiên –Huế,tr 246 – 247.

 [58]Lê Văn Siêu, Việt Nam Văn Minh Sử,tr710.

[59]Dương Văn An: Ô Châu Cận Lục, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2001, tr 124.

[60]Nghệ Thuật Đông Nam Á, Cao Xuân Phổ (chủ biên),tr223.

[61]Lê Văn Siêu, Việt Nam Văn Minh Sử, tr711.

Bình luận về bài viết này